Hủ tiếu gõ
Bà Tư đầu hẻm rất khó chịu. Bả bán hủ tiếu gõ hơn mười năm, hoặc hai chục năm, không ai làm nghiên cứu đưa ra con số cuối cùng. Cái nghề cần khách vậy mà bả vẫn giữ được nết khó chịu cũng từng ấy năm lẻ.
Xe hủ tiếu gõ của bà Tư khách đến từ từ, cao điểm cho một lần phục vụ tầm bốn người. Nhiều hơn bả cũng không làm nổi. Người thứ năm tới xe hủ tiếu, bả liền nhăn cái trán, đưa tay phủi phủi đi chỗ khác. “Bò bía, mì tàu, bún mắm xung quanh thiếu gì. Bữa khác ghé ăn, làm không nổi”. Bả vừa nói vừa thẳng thừng thò tay đẩy cái ghế đẩu còn trống nhét sau xe hủ tiếu.
Đúng là không làm nổi. Chiều nào cũng có mình bả kéo cái xe ra hẻm. Rề rề lên lửa cho nồi nước dùng, xếp hủ tiếu, thịt, rau giá ra kệ. Bả lui cui hết bốn mươi lăm phút thì ba gác Sơn (ghi chữ Sơn đỏ lè trên thành xe) trờ tới. Thằng nhỏ đen thùi nhảy xuống, gỡ mớ bàn ghế nhựa trên xe, tiện tay kéo lại ngay nhắn cho bà Tư. Riêng cái ghế của đầu bếp được nhét sẵn trong gầm xe hủ tiếu. Bà Tư múc cho nó một tô xương. Thăng nhỏ ăn xong nhận tiền chở hàng rồi đi thẳng. Hai người không ai nói ai câu nào.
Hồi giờ mấy dịch vụ mua đồ ăn giao tận nhà được ưa chuộng. Mấy đứa nhỏ phía công ty xuống hỏi “bà có muốn tham gia vào hệ thống khách hàng đồ sộ của tụi con không?” . Bà Tư nhẩm tính một tô hủ tiếu chứa tới 30.000, bả phải trả lại công ty đồ sộ đó 20%, khách của bà trả thêm tiền vận chuyển. Tô hủ tiếu gõ hai miếng thịt mỏng dính lên giá bằng tô phở bò . Bà Tư từ chối. Hết tụi nhỏ áo đỏ rồi áo vàng tới gặp bà. Tháng sau người ta thấy một tấm bảng thô kệch, treo lủng lẳng bên hông xe hủ tiếu “Không hợp tác với công ty”.
Cách đây hai năm ông chồng thứ hai của bà Tư vẫn còn phụ quán. Bà Tư cho ổng thu tiền, bưng hủ tiếu. Nói cho là bởi vì “cơ sở kinh doanh “ này trước giờ thuộc về một mình bà.
Bà Tư cưới chồng đến lần thứ hai, nhưng không ông nào có phần hùn chung, cũng không con cái chi hết. Người đầu tiên hồi còn ở miệt dưới. Bà con láng giềng từ làm nông sang bán đất, vợ chồng bà vẫn người đi phụ bếp tiệc, người làm thợ hồ. Người làm thợ hồ chịu cực chịu khổ được vài năm thì đi theo bà chủ vựa xi-măng. Xóm giềng kêu bà Tư ra phường tố. Tố gì? Tố ai? Bà Tư suy nghĩ hai tháng trời không trả lời được mấy câu hỏi đó. Đến tháng thứ ba bà gói ghém hết quần áo của nải bao gồm hai chỉ vàng thêm cái áo dài cưới màu đỏ đi kèm quần lãnh mỡ gà. Bà lên Saigon bán hủ tiếu gõ.
Người chồng thứ hai xuất hiện khi bà buôn bán, thông quen Sài Gòn. Người đàn ông đó là một trong những ông chủ “dịch vụ chuyên chở Sơn”. Ổng cùng bạn hùn hạp mở tiệm chuyên thuê chở đồ cho dân chợ. Bà Tư nghe xung quanh chỉ tới liên hệ phụ chở bàn ghế ra điểm bán. Điểm bán của bà nay đông mai tây. Bên chỗ Sơn quyết định bao sô “trọn đời” cho bà. Bà bán ở đâu nhắn cái tin là họ chuyển dàn ghế-bàn tới thẳng đó. Tiệm Sơn không phất lên nổi dù hai người chủ định liệu nhiều đường binh vốn. Làm ăn mà. Một người bỏ cuộc chơi, đi lấy vợ, tức là chồng thứ hai của bà Tư. Người đó không rút vốn, gửi lại với lời cam kết, dù sao này ra sao, tiệm Sơn vẫn giúp bà Tư dọn ghế bàn ra quán. Vậy là khi ông chồng thứ hai qua đời bà Tư đều đặn mỗi ngày nhắn tin dặn dò thông tin địa điểm cho dịch vụ vận tải Sơn. Bà trả tiền dịch vụ bằng nửa giá khách ngoài. Đây cũng là lời hứa của hai ông chủ tiệm Sơn.
Xe hủ tiếu gõ của bà Tư tuy mở bên đường, nhưng có khách quen. Một vài người cứ cuối tháng ghé ăn. Bà đoán vật giá leo thang, tô hủ tiếu gõ chưa tới 30.000 là lựa chọn an toàn. Trong số khách quen, có một thằng nhỏ làm nhân viên văn phòng, lúc nào cũng mặc áo sơ mi xanh nhạt. Hễ tới ăn, nó hỏi bà khoẻ không. Bà Tư nhăn nhó cặp chân mày, nhìn nó không một chút cởi mở chào đón gì “Đứng đây thì khỏe rồi, còn phải hỏi”. Một lần nó dẫn vợ ra ăn. Hình như vợ cũng làm công sở. Thằng nhỏ không dám kêu câu quen thuộc “cho con tô như cũ “. Nó hỏi han vợ mấy bận. Xe hủ tiếu gõ hai kiểu: thịt hay xương mà bàn bạc với vợ như quán có thực đơn chục món.
Tháng chạp cuối năm, thằng nhỏ văn phòng ghé kêu tô hủ tiếu. Hôm nay nó không hỏi thăm gì hơn ngoài gọi món. Bà Tư nhăn trán. Nếp nhăn rẽ quạt, sâu hoắm, đổ bóng đậm sì. Mặt bà như bức tranh sơn dầu, tối hù. Bà bưng tô hủ tiếp bốc khói. Thằng nhỏ công sở ăn không kịp lau mồ hôi mặt. Nó cũng không ngước lên nhìn quanh quất đường phố như thói quen bữa giờ. Vừa xong, gọi tiếp tô thứ hai. Bà Tư chần chừ chan nước lèo. Muỗng nước lèo chao nhẹ qua mớ hẹ xanh.
- Sáng giờ đi cày đi cấy gì hay sao mà ăn dữ vậy?
-Trưa nay con không ăn cơm.
-Ủa mắc gì không ăn?
-Có công chuyện chút.
Thằng nhỏ công sở ăn gần hết tô thứ hai thì bỏ đũa. Nó ngồi thừ ra, không biết có phải để vượt qua cơn tức bụng. Bà chưa kịp tính tiền đã thấy nó tiến tới nhét vô tay tờ hai trăm ngàn.
- Có tiền lẻ không?
-Dạ thôi, cầm hết đi Tư.
-Ủa mắc gì cầm hết. Đứng đó tao đi đổi tiền.
-Con không cần đâu.
-Tự nhiên dở chứng vậy. Coi dùm cái xe tao chạy qua kia đổi tiền cho.
-Chán lắm, tiền có cái chó gì mà quan trọng.
Thằng nhỏ công sở vốn có khuôn mặt hiền bẩm sinh, không thể giấu đi được cái nết lành lành, nhiều khi ngơ ngác. Nó mở miệng chửi thề với giọng ỉu xìu như cọng hủ tiếu trụng nước sôi quá lửa. Bà Tư liếc bàn tay thấy run run. Ngón áp út nào giờ vẫn có cái nhẫn bạch kim cẩn miếng đá kim cương nhỏ nhỏ. Hôm nay chỉ có vệt trắng mờ mờ.
-Tuỳ mày. Muốn tao cầm thì tao cầm, từ đây đến hết tháng ghé ăn khỏi trả tiền.
Lần nào được hỏi cưới bà cũng đòi cho được một cái nhẫn để hai bên cùng đeo. Lần lấy chồng thứ hai bà còn không làm giấy tờ hôn thú gì nhưng vẫn đòi nhẫn đeo. Bà thấy cái nhẫn trên tay vừa chặt vừa lỏng, vừa tưởng có cũng như không, nhưng nếu không có thì chưa thành chuyện được.
Cái nhẫn cởi ra chắc không phải chuyện dễ gì. Nay mai nó ghé bà cho thêm chút thịt, chút xương vào tô hủ tiếu.
#ngắn #kể