Nửa đêm thèm mì gói
Tôi thèm ăn mì gói. Nó đến thật tự nhiên, việc thèm ăn mì gói. Nó đến như một cơn say nắng, trong lúc đọc vài chương sách tiểu thuyết. Bên ngoài tiếng hàng xóm mắng chửi nhau. Một thằng con rể hỗn hào, một người vợ ghen tuông và một bà mẹ vợ rất sẵn lòng lao vào giữa mối quan hệ ấy. Dăm bữa nửa tháng họ bày tiệc cho cả hẻm bằng những trận ẩu đả ngôn từ. Bởi vậy nên tôi biết gia cảnh tương đối chi tiết, dù chưa một lần gặp
Quay lại với cơn thèm ăn mì gói. Tôi nhớ trong tủ bếp còn vài gói mì, có thể là hai. Tôi luôn có mì gói trong nhà, đó là điều chắc chắn. Sau khi làm tình, Đức thường đói và tự đi “úp mì”.
Thi thoảng tôi ghé tiệm tạp hoá dì Hoa, đứng bên ngoài, nép mình vào mái hiên ngắn tủn, chỉ hết món này đến món khác cho dì lần lượt bỏ vào túi nilong to. Dầu gội đầu, bột giặt, thêm mấy hộp kẹo the, một cây viết bi, chai nước ngọt, băng vệ sinh, thùng mì gói Hai con tôm. Thùng mì thường chỉ có Đức xử lý, mỗi khi anh ghé qua. Có lần Đức hỏi tôi, tay còn đang bật bếp từ nấu nước sôi “Em dùng mì gói làm log book ngày mình gặp nhau à?” Tôi biết Đức nói đùa. Nhưng nghe khá nghiêm túc. Giọng nói nghiêm túc của anh khiến suy nghĩ ấy trở nên ồn ào trong đầu tôi. Nó bật ra thành một câu hỏi tự vấn “phải chăng như vậy?” Rõ ràng tôi không đụng đến gói mì nào cả.
Từ nhỏ mẹ tôi đã nhanh chóng thiết lập thói quen ăn uống cho cả nhà “Ăn tô cơm nguội với chao bổ béo hơn mì gói” Thời điểm ăn mì gói nhiều nhất là mấy năm đại học khi la cà qua phòng ký túc xác bạn cùng lớp nghỉ trưa chờ tiết sau. Tôi lân la theo bạn bè để nuôi trí tưởng tượng “đời sinh viên” trong mình. Bởi tôi là con sinh viên nhà ở cách trường 10 phút đi xe máy. Tôi có tiền tiêu hằng tháng, không cần dạy thêm. Tóm lại, tôi nghĩ mình cần thu nạp cuộc sống sinh viên như “từng nghe kể”. Góp nhặt trải nghiệm sinh viên nghèo khó, giúp tôi cảm giác “lớn rồi”. Một sự cố gắng lớn lên của riêng mình.
Đức thích mì gói. Đức cũng như tôi, không thấy mình mấy trong bức tranh sinh viên nghèo khó. Đức học, rồi đi làm. Mì gói chỉ là sở thích, “ngon mà”.
Mỗi lần hẹn nhau tôi chọn tiệm ăn tối. Sau đó về nhà, coi tivi, làm tình và Đức ăn mì gói còn tôi tiếp tục nằm im trong phòng. Cái mền quấn quanh người, máy lạnh phả rất mạnh. Tôi nghe tiếng lục đục trong bếp, tự nghĩ cảnh tượng đang diễn ra: Đức cho nước vào nồi, chắc chắn lựa ngay cái nồi trước mắt chứ không cần quan tâm kích thước phù hợp. Đức bật bếp từ, cắt tờ giấy gói, thả mì vào trong, lần lượt dùng kéo bếp cắt từng gói gia vị nhỏ, có lúc lười nhác đưa lên miệng cắn, mở điện thoại lướt facebook trong lúc chờ, đổ mì ra tô, sợi mì sôi quá lửa, quặt quẹo, mềm bục. Đức cũng chẳng màng việc cho rau hay trứng thêm vào, dù tôi gợi ý mấy lần. “Anh ăn hay em ăn?”- Một tô mì đầy gia vị, bột ngọt.
Tôi nhìn đồng hồ, hơn 10h đêm. Cuộc cãi vã gia đình kia đang đến hồi có tiếng kim loại ồn ào. Hình như một mớ đồ kim loại vừa bay thẳng xuống đất. Âm thanh của nó chát chúa đến độ bọn chó rú lên vì giật mình. Tôi nhắn tin cho Đức “Này, hôm nọ anh ăn hết mì gói chưa?”
Tất nhiên chẳng có tin nào hồi đáp cho tôi. Đức đi ngủ sớm. Anh có nếp sinh hoạt của đàn ông qua tuổi trung niên. Tôi nhận ra điều này vừa lợi thế, chẳng hạn khi đang nói gì căng thẳng, Đức sẽ chấm dứt “Anh mệt quá” Vậy là xong. Nó như cơn gió lạnh thổi bất ngờ. Người đi đường co rúm, mất luôn cả dự định dạo phố. Tôi co rúm lại, không màn đến bao nhiêu tranh chấp, phản biện trong đầu. Trở ngại thì rõ rồi, tôi không thể kéo Đức vào những cuộc chơi “thanh xuân” của mình, chẳng hạn : đi nghe nhạc, ăn lẩu múa “tại sao chúng ta phải chờ để ăn tiệm vậy em? Còn bao nhiêu quán khác”
Quả thật cơn thèm có sự thôi thúc mãnh liệt, thôi thúc làm những việc chẳng giống mình, lựa chọn bất chấp. Đôi khi nó đến trong một định dạng cồng kềnh: lựa chọn nghề nghiệp, lựa chọn ước mơ, lựa chọn bạn đời. Nó gieo nỗi sợ không có điều mình muốn. Nỗi sợ như nước tràn phổi, dâng lên đến cổ họng, lấp cả đường khí quản. Nhưng một cơn thèm mì gói giữa đêm không như vậy. Nó “dễ thương” hơn hẳn. Nó có thể trở thành một đề tài phiếm chuyện trên nhóm chat nào đấy còn sáng đèn, hoặc, thậm chí, một ý tưởng cho tranh hài hước trên mạng.
Tôi bước xuống bếp. Thùng mì nằm trên ngăn cao của kệ, đây là tầm với của Đức. Tôi kéo thêm một chiếc ghế nhỏ. Mở nắp thùng mì. Một hỗn hợp mùi xộc lên mũi. Mùi hoá liệu phẩm từ giấy carton. Bên trong chẳng còn gói mì nào. Tôi nhìn thêm lượt nữa, như thể cái thùng mì gói có kích thước một căn hộ với bốn cây cột to, nếu sơ suất ta có thể bỏ quên gì đó trong góc. Bất chợt tôi nhận ra tiếng thở của mình. Tôi không nghĩ ra việc tại sao lại nghe được mình thở. Có thể vì thùng mì đang trống rỗng nên không khí hay thứ gì đó những người am tường về vật lý có thể giải thích được. Hoặc, có thể vì căn bếp khá im lặng. Hoặc, vì bây giờ đã là 11h đêm và căn hộ kia ngừng cãi nhau.
Tôi bước xuống. Bao tử thắt lại. Mồ hôi lạnh rướm bàn tay. Điện thoại trên tay bật lên tiếng tin nhỏ nhẹ. “Anh đã không ghé em từ hai tháng trước rồi. Ngủ đi”
Hai tháng trước, hôm đấy, tôi mặc chiếc đầm xanh, ôm Đức trên giường. Tôi lấy tay xoa lưng Đức, vừa nhìn bàn tay mình. Bàn tay ốm nhom, không ngón nào thẳng thớm. Da tay xanh trắng, hơi mỏng. Tôi nói thôi đừng gặp nhau nữa. Đức dự đoán sắp có một cuộc cãi vã, “Tại sao?” Tôi không muốn trả lời câu hỏi, nhưng vẫn thốt ra vài từ “thì em muốn những thứ khác trong đời mình”
Đáng lý ra, tôi nên quẳng thùng mình sau đêm ấy.
#truyenngan