Chuyện 11: Saigon

Tôi hay gọi tên thành phố này như vậy, trừ khi khai báo giấy tờ hành chính. Tôi gọi Saigon chẳng phải vì lý do chính trị, như cách mẹ tôi hay các dì vẫn nhắc đến đi kèm đôi mắt xa xăm. Tôi gọi vậy vì tôi là “tiểu thị dân” - cách anh Trần hay cười chúng tôi mỗi lần xin ống hút uống cocktail vì quên cầm theo cây son. Tôi thương thành phố nhiều như một kẻ thị dân không chấp nhận ai đó nói mình đến từ nơi khác. Hay một đứa học trò cảm thấy buồn lòng nếu thầy cô không gọi đúng tên. Tôi cảm thấy ở mỗi góc đường, mỗi vệt nắng, nếu chú tâm, sẽ có câu chuyện kể. Và thành phố vững chãi với những câu chuyện kể hết ngày này sang ngày khác. Thậm chí cả khi ta đang quá bận rộn với lòng mình, saigon vẫn yên đấy. 

Tôi hết bệnh sau đó vài ngày. Thuỷ mang cho tôi một tô phở to khi ghé thăm. Nó dàn xếp với chồng thành công, giành được cho tôi nửa ngày ngồi cạnh bên. Mỗi khi khỏi bệnh, tôi muốn được ăn tô phở. Khi đi xa về, tôi sẽ chạy ùa ra quán phở. Đây là món ăn vỗ về, chỉ Saigon mới có.

- Nhìn mày xanh như lá sương sâm.

- Không sao, sẽ bớt được vài kg.

- Ăn đi, ăn cho lẹ để nó không bị mỡ

Tôi cắm cúi ăn, suy nghĩ có nên kể câu chuyện mình đã khóc nhè với người lạ trong một đêm cô đơn. Mùi phở với miếng gàu béo xua tan ý định ấy.

- Bữa giờ có ai đến không?

- Ai? 

- Thì mẹ mày hay ai đó khác

- Có tổ trưởng tổ dân phố đến kêu đi họp

- Uh. Vậy ah

- Sao mày không tin tao?

- Dạ tin, khổ, bệnh nên khó ở quá. Ăn lẹ đi rồi muốn nói gì thì nói.

- Không có gi để nói. Chút nữa mày vò sương sâm với tao không?

Thuỷ im lặng. Tôi đoán nó có một trăm câu hỏi cho lời đề nghị này, nhưng dĩ nhiên nó giữ lại hết trong lòng. Đó là sự nhường nhịn của tình bạn tính theo đơn vị chục năm.

Vậy là chúng tôi vò sương sâm. Cây sương sâm quả thật dễ trồng. Nó chỉ cần nước và nắng. Hôm nọ có hai lá non yếu ớt, bây giờ đã lên thành cành dài bám lấy hàng rào, lá to xanh đậm, lá nhỏ phơn phớt nhú chồi.

- Nhiêu đây đủ…một chén không?

- À đừng lo, dì Tư có tặng tao một bao lá để vò.

Tôi mở cửa tủ lạnh lấy ra túi lá dì Tư mang sang ngày trước. Dì nói, lấy ra vò cho có động lực tưới cây. Hai đứa tôi lặng lẽ vò nát những chiếc lá khô lạnh. Thuỷ hát nho nhỏ trong miệng. Nó hát về những cuộc tình, về nhớ mong. Thuỷ hát hay nhưng rất bản năng. Nó kể hồi xưa hay luyện thanh trong giờ “rửa chén” phụ mẹ. Một người bà con nghe thấy rủ nó đi thi. Thế mà cũng được giải phường, giải quận, rồi đến thành phố thì nó rũ mình hoá thân thành cô gái công sở, không tham gia biểu diễn các tiết mục văn nghệ trong công ty. Nó chỉ hát cho bạn bè nghe trong phòng karaoke, hoặc thi thoảng khi ngà ngà say cùng tôi. Hai đứa tôi người hát, người nhịp theo, ngồi hết một tiếng đồng hồ cùng nhau đã được một tô to đầy chất lỏng xanh thẫm , dày dày lóng lánh, hứa hẹn sẽ nhanh chóng đặc lại. 

- Mày mang về nhé, để chồng mày tin là đi qua bên tao.

- Ôi, mắc gì không tin chớ.

- Nói chứ mang về, nhiêu đây tao ăn tới năm sau chưa hết.

- Chúc mừng sinh nhật

Thuỷ nhào tới ôm tôi, như luồng không khí ấm áp bất chợ sà xuống thành phố trong ngày mưa dầm dề. Trước đó tôi kiểm tra hết tất cả các ứng dụng mạng xã hội, tắt notification liên quan đến ngày sinh nhật, vừa làm vừa hít một hơi thở “an trú”.  Tôi không rõ vì sao ngày sinh nhật làm mình bất an đến như vậy. Nó nhắc điều gì? Tôi ghét những thứ có tính nhắc nhở, thí dụ, các âm thanh ứng dụng, nhạc chuông báo thứ, lá cờ đỏ chút xíu trên e-mail, lời mẹ nói đi nói lại những thứ không hoàn tất của cuộc đời tôi. Sinh nhật có lẽ được xếp loại “nhắc nhở”.  Mọi năm tôi sẽ đi du lịch một mình, tắt điện thoại. Năm nay tôi ở lại thành phố. Ngày sinh nhật rơi vào cuối tuần, thật may mắn. 

Khi Thuỷ về tôi đi ngủ một giấc thật dài. Việc đầu tiên làm lúc tỉnh dậy, kiểm tra tô sương sâm. Thứ chất lỏng ban nãy giờ đã hoá thành miếng thạch xanh, lấp lánh, trơn tuột trong cổ họng. Sau những ngày bệnh tôi thấy lòng mình thật mềm yếu, như miếng thạch, đủ đế đầu hàng những thứ cảm xúc phập phồng trong tim. 

Vì sao anh ta không liên lạc sau hôm đó? Câu hỏi rơi vào trong sự im lặng, vì tôi vốn chỉ để nó trong im lặng. Nhưng hành động tiếp theo của tôi rất ồn ào. Tôi liên hệ chủ Tổ Chim hỏi xem, có cách nào đó, 1% khả năng, cô ấy biết nhà anh ta, hoặc công ty? Cô chủ Tổ Chim im lặng 5 phút, sau đó trả lời tin nhắn tôi “chị có thể ghé quán cà phê cạnh Tổ Chim ngày trước. Đó là tổ của anh ta”

Tôi đến quán cà phê, cầm theo một hộp đựng sương sâm nhỏ. Quả thật, Đặng Minh đang ngồi đấy, với cuốn truyện tranh, như một kịch bản phim rom-com lặp lại thiếu sáng tạo

Previous
Previous

Chuyện 12: Saigon không có mùa hè

Next
Next

Chuyện 1o: Con mèo sẽ như thế nào?