Chuyện 6: Thông tin liên lạc

Hóa ra tôi đọc hai quyển truyện tranh khá chậm. Từ bé tôi đọc chữ thuộc loại nhanh nhất nhà. Nhưng với mấy cuốn truyện tranh tôi thấy mình chậm hơn hẳn. Có vẻ vì hình ảnh đòi hỏi sự chú tâm hơn. Hoặc vì tôi đọc với cảm giác e dè cẩn trọng. Dẫu vậy khi đọc qua trang cuối quyển truyện, tôi không nghĩ ngay đến chuyện bay ra Tổ Chim mua tập tiếp theo. Tôi không muốn tự mình mua truyện tranh.

- Chị biết e-mail không, search facebook là ra.

- Không biết em ah.

- Vậy họ và tên, có thể thử tên có dấu tên không dấu

- Chị sợ tên chị có chưa phải full name

- Chứ bển liên hệ chị sao?

- Gặp trực tiếp…

- Hừm…vendor gì kỳ vậy chị, sao không có manh mối gì rồi liên hệ sao ta.

Hường, cô bạn đồng nghiệp phòng thu mua nhìn tôi một lần nữa. Mắt cô gái to tròn, nâu nâu, vừa có vẻ bực dọc vừa nghi ngờ. Sáng nay tôi hỏi Hường cách nào để có thông tin đối tác giữa thời buổi xa lộ thông tin.

- Thiệt ra, vendor mà em deal đó giờ, nó phải làm cho em nhớ đến nó chứ không úp úp mở mở vậy

- Uh chỗ này hơi kỳ…

- À phải rồi, chị nói có đơn vị thứ ba quen chung hai bên, hỏi bển đi chị.

Dựa trên quan sát, tôi tin rằng giải pháp này là manh mối duy nhất để có được điều mình cồn cào bữa giờ : số điện thoại người lạ. Vậy nhưng, hình ảnh tiến tới bên cô chủ, hỏi vài câu rồi lại bắt cầu sang thông tin số điện thoại người khách nọ, khiến bụng tôi hơi sôi, tim đập nhanh. Một thứ vận hành riêng của cơ thể đã lâu tôi chưa nhận diện được. Hoặc lâu rồi, không ai lại trở nên khó tìm cách kết nối liên lạc như vậy giữa thời đại “mọi thứ đều có thể bán online”

Buổi tối tôi đưa đề bài với anh Trần. Người anh bartender với tay lấy chai Gin để sẵn trên quầy.

- Điều gì khiến em không muốn tự mua truyện tranh một mình?

Tôi một mình đúng với ý nghĩa tuổi trưởng thành. Nếu cuộc đời này có gì khiến chúng ta cô đơn hơn chính là ba chữ “tuổi trưởng thành”. Hẳn nhiên tôi có kha khá tài sản từ mối quan hệ xung quanh, những bữa cơm gia đình cuối tuần nơi mẹ sẵn sàng đổi menu theo ý muốn con, hoặc buổi trưa công sở rộn ràng chờ đợi ai đó đề xuất đãi trà sữa lúc 3h chiều, hoặc, cuộc điện thoại với Thủy, hay li gin ở Loser . Nhưng cảm giác “một mình” có điều gì đó giống bình hoa trang trí tại phòng khách. Buổi sáng, bước xuống nhà trong chuỗi liên hoàn vội vàng “chuẩn bị đi làm”, bình hoa ở đấy. Chiều tối, mở tủ lạnh lấy miếng bánh, tôi lại liếc nhìn bình hoa trên góc bàn. Tuy không để tâm, nó vẫn ở đó. Sự cô đơn của tuổi trưởng thành như vậy, vẫn luôn ở đó, trong tận sâu.

- Thì đột nhiên muốn vậy thôi.

- Nếu việc đó quan trọng, em sẽ làm mọi cách.

- Anh thật sách vở.

- Câu đó người khác nói với anh. Em biết anh không đọc sách mà.

- Ai nói.

- Người yêu.

Mắt anh Trần có xu hướng lạnh lùng và thờ ơ với gần như mọi thứ xung quanh. Mắt anh gợi nhớ viên đá lạnh được trạm trổ trong ly whisky trên tay một gã mafia màn ảnh. Chắc vì vậy mà anh thu hút được nhiều khách nữ ngồi quanh quầy. 

- Người số mấy.

- Anh chỉ có một thôi, cô gái. 

- Quan trọng?

- Rất quan trọng. Nhưng anh không chắc mình là một của người ta

- Anh làm mọi cách chưa?

- Gần như hết những vốn liếng anh có rồi.

- Cảm giác như thế nào?

- Em thử đi đã. Thử làm mọi thứ để có điều mình muốn và em sẽ hiểu mình được gì.

Tôi không cần nhìn đôi mắt anh, vẫn biết nó lạnh lùng y như đó giờ. Lời anh nói khiến gương mặt tôi nóng bừng. Cảm giác món đồ uống vừa trôi qua cổ họng không phải Gin Tonic hiền lành, mà hẳn một ngụm cô-nhắc phừng phực. 

Tôi quay lại đề bài với hai phương án. Phương án A : hỏi số điện thoại nếu cảm giác có được từ buổi nói chuyện với anh Trần vẫn còn sống động trong lồng ngực. Phương án B: tự mua truyện tranh. 

Previous
Previous

Chuyện 7: Di chuyển

Next
Next

Chuyện 5: Cuốn sách tô màu